Phương pháp giáo dục sớm cho trẻ

Phương pháp giáo dục sớm cho trẻ

Admin
28, February, 2017

Giáo dục sớm ngày nay đã được nhiều quốc gia quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ và trở thành một cuộc cách mạng trên thế giới - cách mạng giáo dục thời kỳ sớm bởi giáo dục sớm mang lại ý nghĩa đặc biệt và có tác dụng phi thường đối với sự trưởng thành của trẻ: thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện đại não của trẻ em từ 0 đến 6 tuổi - là một giai đoạn giáo dục trong thời kỳ lý tưởng nhất để phát triển trí tuệ của con người, hình thành tính cách và phẩm chất tốt đẹp của con người. Nếu bỏ qua cơ hội chỉ đến một lần trong đời của trẻ thì tiềm năng não bộ của trẻ sẽ giảm dần theo quy luật. Đặc biệt trong lứa tuổi từ 3-7 tuổi trẻ phát triển gần như toàn bộ trí não. Thời điểm này cha mẹ thường có thói quen cho trẻ học tập rất nhiều lĩnh vực với hi vọng con mình sẽ trở thành vượt trội hơn, giỏi giang hơn. Các bậc phụ huynh thường nhồi nhét cho con rất nhiều lịch học, hầu như trẻ không có thời gian để ôn lại, lĩnh hội những gì được học. Vì vậy, không những không có tác dụng mà lại khiến trẻ mệt mỏi, đầu óc căng thẳng. Điều đó khiến con không phát triển tự nhiên, giáo dục sớm là giáo dục đúng thời điểm và đúng phương pháp chứ không phải bắt ép con học quá nhiều thứ như chúng ta vẫn làm. Điều con cần là một hình thức học tập vừa sức, học mà chơi, chơi mà học. Ở lứa tuổi từ 3-7 ta nên cho trẻ học với những hình ảnh trực quan sinh động, tăng khả năng tương tác nhiều hơn cùng thầy cô và các bạn. Thầy cô chỉ giúp con là người dẫn đường, người bạn lớn của con cùng con tìm ra lời giải đáp của những vấn đề trong cuộc sống chứ không phải người trả lời hết mọi câu hỏi của con.

Tác dụng của việc giáo dục sớm

Theo nhiều  nghiên cứu, khoa học đã chứng minh rằng não bộ của trẻ từ 0-6 tuổi là lúc phát triển nhiều nhất. Đây là giai đoạn cung cấp những kích thích để tạo thành nhiều kết nối thần kinh trên não bộ giúp trẻ đạt được tiềm năng tối đa, đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần, cũng như văn hóa và nhận thức trong tương lai của trẻ. Phát huy tối đa “cửa sổ cơ hội” cho trẻ chính là giúp trẻ tiếp thu, học hỏi, phát huy hết tiềm năng của mình ngay từ bước khởi đầu quan trọng này.

Vì vậy, việc hiểu biết và kích thích não bộ trẻ đúng thời điểm cũng như biết cách “Giáo dục sớm” cho con là một việc làm hết sức cần thiết cho sự phát triển lâu dài của trẻ. Có thể kể đến một vài lợi ích nổi bật của việc giáo dục sớm như sau:

            - Trẻ trở nên thông minh với tài năng vượt trội hơn tiềm năng vốn có.
            - Trẻ biết cách vận dụng, chuyển hóa kiến thức vào cuộc sống.
            - Trẻ biết cách yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh.
            - Xây dựng cho trẻ khả năng sống tự lập và biết cách tổ chức cuộc sống.
            - Hình thành cho trẻ thói quen sống có mục đích và định hướng rõ ràng.
            - Khơi gợi niềm đam mê học tập suốt đời.

Vai trò của gia đình đối với việc giáo dục sớm cho trẻ

Một trong những nội dung đầu tiên của giáo dục sớm là phải tiến hành thai giáo, làm cơ sở để khai mở và tạo tiền đề cho giáo dục trẻ sơ sinh. Công việc thai giáo không ai có thể thay thế được vai trò của các bà mẹ với sự hỗ trợ của các ông bố và các thành viên trong gia đình. Tổng hợp kinh nghiệm thai giáo trên thế giới cho thấy thai giáo là ngành khoa học bao gồm ba phương diện: thụ thai khi cơ thể trong trạng thái tốt nhất, dưỡng thai trong môi trường tốt nhất và giáo dục thai nhi. Sự phát triển của khoa học hiện đại chứng minh rằng, trong thời gian mang thai nếu lặp đi lặp lại nhiều lần những kích thích tốt đối với thai nhi, có thể thúc đẩy não bộ của thai nhi phát triển. Hiện nay, giáo dục trong thời kỳ bào thai không còn mới mẻ trong cộng đồng cha mẹ Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực thi thai giáo vẫn còn rơi vào tình trạng bắt chước máy móc, chưa được tổ chức và tư vấn một cách có khoa học.

Tiếp đến, khi trẻ bước vào giai đoạn đầu đời từ 1-6 tuổi, cha mẹ là người tiếp xúc nhiều nhất, là người thầy đầu tiên trong cuộc đời con. Vì vậy, muốn giáo dục sớm cho trẻ thì bố mẹ là một trong những thành phần quyết định nhiều nhất đến khả năng thành công. Nếu bố mẹ không làm gương cho bé noi theo, không có phương pháp rõ ràng và thống nhất thì rất khó có thể đạt kết quả như mong muốn. Trong gia đình mọi người cần hiểu rõ và nhất quán những phương pháp giáo dục cho trẻ, tránh tạo ra sự chồng chéo, khác biệt quá nhiều giữa các thành viên, đặc biệt giữa bố và mẹ. Như vậy, trẻ sẽ không nhận được sự giáo dục hợp lý và phát triển toàn diện, thống nhất. Lúc này con bắt đầu có những sự tò mò, muốn tìm hiểu, khám phá thế giới. Đây là giai đoạn trẻ sẽ có nhiều thắc mắc và thường xuyên hỏi bố mẹ cũng như việc trẻ bắt chước và muốn tự mình làm nhiều thứ. Bố mẹ cần phải biết cách xử lý những câu hỏi, những việc làm của trẻ, uốn nắn trẻ phát triển theo định hướng đúng. Ở giai đoạn này bố mẹ không phải là người thay con làm tất cả mà chỉ là người hướng dẫn, là bạn đồng hành giúp con tìm ra đáp án cho những tình huống, câu hỏi trong đời sống của con.

Có thể nói rằng, giáo dục sớm tại gia đình góp phần đáng kể vào sự nghiệp giáo dục sớm của toàn xã hội do giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là thời kỳ vàng để phát triển tiềm năng não bộ của trẻ. Do đó, cần khẳng định lại vị trí của giáo dục sớm tại gia đình, coi đó là nền tảng, còn giáo dục nhà trường là sự nối dài của giáo dục sớm tại gia đình. Giáo dục sớm tại gia đình không chỉ là sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, mà ở đây cần có sự nối liền chặt chẽ với toàn thể xã hội. Ðó là, coi giáo dục gia đình là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm trả lại cho các bậc cha mẹ vai trò đúng nghĩa - những người thầy, người cô đầu tiên và có ảnh hưởng sâu sắc đến những đứa trẻ.

Nếu biết cách giáo dục trẻ từ sớm thì nhất định bạn không phải là những người thông minh nhất nhưng bạn sẽ có những đứa con tài năng vượt trội. Giáo dục sớm đem lại cho con bạn một tương lai tốt hơn, thông minh hơn, phát triển một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây là một hình thức đầu tư đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và thời gian lâu dài từ phía gia đình nhưng kết quả nó mang lại sẽ hoàn toàn xứng đáng với những gì chúng ta bỏ ra.

 

TAGS :

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: