Khi bé bỗng dưng biếng ăn
Dưới đây là 4 nguyên nhân thường gặp nhất khiến bé bỗng dưng biếng ăn!
1. Đau họng
Dấu hiệu để nhận biết bé đau họng (hoặc mắc các chứng bệnh về họng) là bé vẫn uống sữa tốt nhưng lại từ chối thức ăn. Bạn có thể kiểm tra cổ họng cho bé qua việc chiếu một chiếc đèn pin nhỏ, đồng thời, bạn nên dùng một chiếc thìa dài, sạch cố định lưỡi của bé trong quá trình khám họng.
- Nếu vùng họng ửng đỏ, có thể bé đang bị sốt (bạn nên cặp nhiệt độ cho bé để có kết quả chính xác). Lúc này, bạn nên cho bé nghỉ ngơi, uống nhiều nước lọc kèm theo việc dùng thuốc giảm sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nếu vùng họng của bé có dấu hiệu sưng tấy (không kèm theo sốt), bạn nên đưa bé đi khám. Trường hợp này, bé có thể đang mắc phải một chứng bệnh về họng.
2. Đau bụng
Bạn thử kiểm tra xem bé có bị tiêu chảy dù ăn ít không. Nếu có thì nhiều khả năng bé kém ăn là do bé bị đau bụng hoặc bị rối loạn tiêu hóa.
Bạn nên cho bé dùng thức ăn dạng lỏng, mềm sao cho bé càng ít phải nhai càng tốt. Bạn vẫn có thể cho bé sử dụng những món ăn giàu năng lượng như cá, thịt gà hay trứng. Bạn cũng nên cho bé uống thêm nước lọc để bù vào lượng nước bé đã bị hao hụt trong quá trình bị tiêu chảy. Nếu tiêu chảy kéo dài, bạn nên đưa bé đi khám.
3. Đầy bụng
Bé ít vận động, ăn phải những món khó tiêu hoặc ăn quá nhiều trong một bữa cũng khiến bé chán nản trong bữa cơm còn lại.
Bạn nên duy trì thói quen vui chơi cho bé. Ngoài ra, bạn cũng không nên cho bé ăn quá nhiều chất đạm (dễ khiến bé nặng bụng). Bạn nên tránh cho bé ăn quá no, nhất là trong bữa phụ.
Nếu bé không đi tiêu được thì có thể bé mắc phải chứng táo bón. Trường hợp này, bạn nên tăng cường rau xanh, nước lọc cho bé. Chế độ ăn này sẽ giúp phân bé mềm, lỏng nên bé dễ đi tiêu hơn. Đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng, bé không chỉ bị mất nước khi đi tiểu mà còn mất nước do chảy nhiều mồ hôi.
Nếu bé bị táo bón dẫn tới hiện tượng đau rát và chảy máu thì bé có thể mắc chứng táo bón kinh niên. Tình trạng này càng để lâu thì càng trầm trọng hơn. Nguyên nhân là do đau nên bé sẽ sợ đi tiêu và cố gắng nín nhịn chuyện này. Bạn nên đưa bé đi khám sớm. Bác sĩ có thể chỉ định cho bé loại thuốc bôi trơn hậu môn (hoặc thút – đút hậu môn), giúp bé đi tiêu dễ dàng hơn.
Đồng thời, bạn nên động viên mỗi lần bé chuẩn bị đi tiêu. Bạn cũng nên duy trì thói quen đi tiêu vào một giờ cố định trong ngày cho bé.
4. Nhiễm trùng đường tiểu
Nếu bé phàn nàn rằng bé bị đau khi đi tiểu thì có thể bé đang mắc phải chứng nhiễm trùng đường tiểu. Dấu hiệu khác của chứng bệnh này là bé xuất hiện tình trạng tè dầm, hơi sốt và đau bụng.
Bạn nên cho bé uống đủ lượng nước lọc cần thiết mỗi ngày; đồng thời, bạn cũng nên nhanh chóng đưa bé đi khám.