Chức năng những vùng đặc biệt ở não bé

Chức năng những vùng đặc biệt ở não bé

Admin
28, February, 2017

Mỗi một vùng trong não bé sẽ có một chức năng riêng. Các mẹ cùng tìm hiểu nhé!

1. Vùng Cerebellum

Vùng Cerebellum (ở sau gáy) chịu trách nhiệm cân bằng và phối hợp các cơ.

Đây cũng là khu vực cho phép bé chuyển từ lẫy sang bò và sau đó là đi bộ. Vùng này cũng giúp phối hợp các cơ vận động và điều chỉnh hoạt động của các giác quan. Nói cách khác, nó kết nối giữa các tín hiệu mà giác quan gửi lên não rồi giúp bé cảm nhận được cơ thể mình khi bé di chuyển xung quanh.

Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, các hoạt động liên quan tới tim, mạch máu, hô hấp cũng được điều khiển bởi vùng cerebellum. Đặc biệt, vùng cerebellum còn liên quan tới nguy cơ đột tử khi ngủ ở bé sơ sinh.

2. Vùng não điều khiển trí nhớ và ngủ sâu

Bên trong não của bé có 2 bộ phận quan trọng, hỗ trợ bé phát triển, đó là vùng hippocampus kiểm soát trí nhớ, và vùng hypothalmus giúp điều khiển giấc ngủ sâu.

Vùng hippocampus

Các chuyên gia ước tính, 40% vùng hippocampus đã hoàn thiện ngay khi bé chào đời, 50% hoàn thiện tiếp trong 6 tuần, phần còn lại tiếp tục hoàn thiện trong vòng 18 tháng. Đây là một lý do mà nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, bé sơ sinh đã có khả năng ghi nhớ tương đối tốt.

Một số nghiên cứu còn cho biết, ở ngày thứ 10, bé sẽ nhớ được mùi của mẹ. Một tháng, bé nhớ được lúc nào thì mẹ hay cho bé ti và biết chờ đợi tới khoảng thời gian này. Bốn tháng, bé nhận ra mẹ giữa một nhóm người và sang tháng thứ 7, bé có thể biết được rằng, khi âm nhạc tắt thì đồ chơi không quay nữa.

Vùng hypothalmus

Vùng hypothalmus điều khiển giấc ngủ sâu ở bé. Đây là giấc ngủ không mơ màng giúp bộ não “nạp” năng lượng cho bé. Trong suốt giấc ngủ sâu, bộ não dường như không hoạt động, cho dù cơ thể vẫn cử động.

3. Vùng Brainstem

Vùng Brainstem (trên cùng cột sống, gần cổ) là một khu vực quan trọng bậc nhất trong sự phát triển bộ não giai đoạn đầu đời.

Nó điều khiển toàn bộ phản xạ ở bé sơ sinh như giật mình, khóc và mút; đồng thời nó duy trì các chức năng cơ bản cho bé như thở, áp lực máu, nhịp tim và giấc ngủ REM (ngủ mà vẫn chuyển động mắt).

Vùng Brainstem còn kiểm soát một số cảm xúc của bé, đặc biệt là sự lo lắng và ngược lại giúp giữ bình tĩnh cho bé. Khu vực này trong não giúp điều chỉnh cảm xúc giai đoạn đầu đời và cực kỳ nhạy cảm với những tiếp xúc từ cha mẹ.

“Sự kiên nhẫn, tập trung và hiểu biết của cha mẹ chính là chìa khóa giúp bé phát triển khả năng tự điều khiển cảm xúc của mình” – Marian Diamond (chuyên gia nghiên cứu về phát triển não, tác giả cuốn sách Magic Trees of the Mind) cho biết. Cha mẹ nên trấn an và làm dịu mỗi khi bé quấy khóc, đặc biệt là trong năm đầu tiên vì nó sẽ giống như bài học để bé biết tự làm mình bình tĩnh về sau này.

4. Vùng não điều khiển thị giác

Vùng não điều khiển thị giác và nhận thức thị giác (khả năng hiểu những gì bé đang nhìn thấy) nằm ở phía sau đầu bé.

Thị giác là một trong những giác quan phát triển sau cùng ở bé sơ sinh. Các bé sơ sinh chỉ có tầm nhìn mờ, nhìn được các vật cách 20-30cm. Bé cũng chỉ nhìn được những vật có màu sắc, hình dạng rõ ràng và có chuyển động. Do khả năng nhận thức thị giác còn non nớt nên bé sơ sinh vẫn chưa thể biết những hình ảnh bé đang nhìn thấy là những thứ gì.

Để phát triển thị giác và nhận thức thị giác cho bé, bạn cần cho bé quan sát nhiều loại đồ vật khác nhau. Trong những tuần đầu tiên, khuôn mặt của mẹ (khi bạn bế con trên tay) là hình ảnh khá thú vị với bé. Nghiên cứu chỉ ra rằng, những bé sơ sinh thường thích quan sát khuôn mặt mọi người hơn là những thứ khác.

Khoảng 1 tháng tuổi, bất kỳ thứ gì di chuyển ngang tầm mắt bé, đặc biệt là có màu tương phản rõ thì sẽ thu hút bé. Bạn nên tiếp tục kích thích thị giác cho con bằng nhiều loại đồ chơi. Tới 8 tháng, bé có thị lực tốt tương đương người lớn.

5. Sự phát triển thùy trán

Thùy trán (còn gọi là thùy trước) của não (nằm ở trán) điều chỉnh suy nghĩ và các hành vi như đi, nói, giải quyết vấn đề và kiểm soát một vài loại cảm xúc. Trong sự phát triển giai đoạn 6-12 tháng, khi bé năng động và dần bộc lộ ngôn ngữ thì vùng thùy trán rất phát triển.

Thùy trán phải mất khá nhiều năm để hoàn thiện, không chỉ trong thời thơ ấu mà còn lâu hơn về sau. Hoạt động não ở bé có thể phải cần tới khoảng 20% lượng oxy trong toàn cơ thể.

Khi bé bắt đầu bập bẹ, bên trái não hoạt động rất tích cực và khi bé lắng nghe những giai điệu yêu thích thì bên não phải lại giữ vai trò chính. Nhiều nghiên cứu tin rằng, sự phân chia hoạt động của hai bên não (thường được gọi là bán cầu não trái và bán cầu não phải) bắt đầu từ lúc còn trứng nước.

Các hoạt động liên quan tới ngôn ngữ thuộc kiểm soát của bên não trái; trong khi đó, âm nhạc, không gian, trí nhớ là thuộc về não phải. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, các bé gái phát triển não trái trước, còn những bé trai thì phát triển não phải trước. Đến 8 tuổi thì các bé trai có thể bắt kịp các bé gái về khả năng ngôn ngữ và những bé gái cũng bắt kịp bé trai về khả năng không gian.

Theo meyeucon

 

TAGS :

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: