Bí quyết phát triển ngôn ngữ cho bé dưới 6 tháng tuổi

Bí quyết phát triển ngôn ngữ cho bé dưới 6 tháng tuổi

Admin
19, October, 2018

 

Trò chuyện, giao tiếp và đọc sách là ba hoạt động giúp trí thông minh ngôn ngữ (Verbal IQ) của trẻ phát triển hơn. Dù chưa nói được nhưng bé 0-6 tháng tuổi đã có thể thấm dần ngôn ngữ từ việc lắng nghe và nhận biết.

Ngay từ khi bé mới chào đời, ba mẹ nên dành nhiều thời gian để trò chuyện, giao tiếp với bé. Tiếng nói quen thuộc, yêu thương của ba mẹ sẽ giúp bé cảm thấy yên tâm, làm quen nhanh với môi trường xung quanh và phát triển trí tuệ tốt hơn. Một vài bí quyết nhỏ dưới đây sẽ giúp ba mẹ và bé có những cuộc trò chuyện vui vẻ, từ đó kích thích khả năng ngôn ngữ cho con:

1. Bế và nhìn thẳng vào mắt bé

Từ lúc bé lọt lòng đến một tháng tuổi, ba mẹ có thể kích thích sự phát triển các giác quan của bé bằng cách hát cho bé nghe hoặc nói chuyện với bé. Để kích thích các giác quan phát triển một cách toàn diện, ba mẹ nên bế bé sao cho mặt mình cách mặt bé khoảng 20-25cm và luôn nhìn thẳng vào mắt bé. Ba mẹ có thể tạo sự chú ý cho bé bằng cách vừa nói chuyện, vừa mỉm cười và vỗ nhẹ vào lưng bé. Điều này không chỉ giúp bé hoàn thiện thính giác mà còn kích thích xúc giác và thị giác của bé.

 

  'Va chạm' với bé càng nhiều càng tốt

Từ 2 tháng tuổi, bé rất thích được nghe mẹ hát ru trong khi bế bé và đu đưa bé trên tay. Đôi lúc, mẹ có thể "đổi vị" cho bé bằng cách đặt bé nằm trong nôi bập bênh hoặc ghế rung để cầm hai tay hoặc hai chân của bé múa theo tiếng hát ru của mẹ. Mẹ nên dùng các ngón tay cù vào bụng, vào lòng bàn tay, bàn chân của bé thật nhẹ nhàng và cùng cười với bé. Đây là một trong những cách hiệu quả giúp bé phát triển vận động tay chân cũng như chức năng của các giác quan.

 

Luôn đáp lại các 'thông điệp' của bé

Đến 3 tháng tuổi, ngôn ngữ của bé đã có những bước phát triển vượt bậc, ba mẹ nên nói chuyện với bé càng nhiều càng tốt, nhất là luôn đáp lại những tiếng ê, a, ọ, ẹ của bé bằng cách lặp lại những âm thanh mà bé phát ra. Bé sẽ nằm và chăm chú nhìn vào miệng của ba mẹ để bắt chước. Sự đón nhận và hưởng ứng của ba mẹ với các "thông điệp" mà bé đưa ra sẽ khích lệ bé rất nhiều, khiến bé có nhu cầu giao tiếp nhiều hơn và phát triển ngôn ngữ nhanh hơn.

Cho bé chơi cùng đồ chơi

Khi 6 tháng tuổi, não của bé đã đạt 50% trọng lượng não bộ của người trưởng thành, vì vậy, bé đã có khả năng học hỏi tốt khi "tương tác" với cha mẹ. Lúc này, bé đã có thể nói những từ đơn giản như "ba", "Mama", biết dang tay đón người khác bế mình và thích thú với đồ chơi.

Đồ chơi phù hợp với bé dưới 6 tháng tuổi là lục lạc, các đồ chơi đung đưa, đặc biệt là các đồ vật, đồ chơi có màu sắc tương phản mạnh (đỏ, đen, trắng). Ba mẹ có thể cho bé nhìn những đồ vật có màu sắc tương phản mạnh ở khoảng cách 32cm rồi quan sát sự chú ý của bé. Ngoài ra, vận động bàn tay bằng các đồ chơi thích hợp như lục lạc, các khối vuông sẽ giúp trẻ cảm nhận và nhận biết các ngón tay và lòng bàn tay thành thục hơn.

TAGS :

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: